Kể từ năm 1957 những Mùa trồng cây được tổ chức liên tục và đạt được những thành công ngoài mong đợi. Đà Lạt được như ngày hôm nay một phần là nhờ những mùa trồng cây ấy.
Mùa trồng cây đáng nhớ tại Đà Lạt
Năm 1957
Sáng sớm ngày 22/10/1957, khoảng 2.000 người dân Đà Lạt tự nguyện tham gia Mùa Trồng Cây. Trong đó, có một số tổ chức: Chi đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia, hướng đạo sinh, công chức, Phong trào Cách mạng Quốc gia Thành bộ Đà Lạt, dân vệ, công dân vụ, học sinh và giáo viên, cộng đồng Hoa kiều…
Năm ấy, kế hoạch trồng cây được tập trung vào vài quả đồi quanh bờ hồ Xuân Hương và khu nghĩa trang. “Sau đó, từng lớp người tràn lên nghĩa-trang, theo chân ông Tổng-thư-ký, vui-vẻ hăng-hái đào đất trồng cây. Chỉ trong khoảnh-khắc, những núi đồi trơ-trọi buồn-thiu đã được tô-điểm bằng những hàng thông non xinh đẹp”.
Mùa Trồng Cây năm 1957, tại nghĩa trang Đà Lạt đã có thêm 6.000 cây xanh, trong đó có 50 cây khuynh diệp. Cuộc vận động vô cùng thành công với sự hưởng ứng cao của người dân thành phố, đã làm lợi cho công quỹ khoảng 30.000 đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) theo ước lượng của Hạt Thủy lâm.
Những chiến dịch được lên kế hoạch rất rõ ràng
Ngoài trồng cây, vào thời gian này nhóm tình nguyện viên còn dọn vệ sinh sạch sẽ trên 60 cây số đường và các công sở trong thành phố. Đường phố sạch sẽ, tươm tất, cây hoa được cắt tỉa đẹp mắt, thành phố như lột xác sau cuộc vận động của chính quyền.
Rạng sáng 10/11/1957 tức 1 tháng sau người dân trong thành phố lại tụ tập về ngã ba đường Phù Đổng Thiên Vương và Bà Huyện Thanh Quan để tiếp tục hoạt động. Những ngọn đồi quanh bờ hồ Xuân Hương và trên đường đi Ankroet sau đó được phủ xanh bằng 9.400 cây thông.
Lần này, người dân Đà Lạt đã tiết kiệm ngân sách cho chính quyền thành phố đến 61.050 đồng. Nhưng điều quan trọng nhất, họ xem đó là một ngày hội thực sự vì làm giàu có cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và đóng góp cho mỹ quan thành phố. Hơn hết mọi người đều hiểu rằng thiên nhiên làm nên giá trị và chất lượng đời sống của họ.
Năm 1958
Tháng 7 năm 1958 chương trình Mùa Trồng Cây được tổ chức với quy mô lớn hơn dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên Hạt Thủy lâm. Lần này, ngoài thông, khuynh diệp thì mai anh đào (khoảng 2.000 gốc) được trồng trên các con đường Phù Đổng Thiên Vương và Bà Huyện Thanh Quan. Có 7.850 gốc thông và anh đào mới được trồng, tiết kiệm 17.270 đồng công quỹ.
Một tháng trước đó, ông Thị trưởng Đà Lạt đã báo tin với Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm rằng dân thành phố Đà Lạt đã trồng thêm 5.850 cây thông và 2.150 cây anh đào. Những gốc anh đào già và những bóng thông trên các con đường ven hồ mà du khách có thể thấy ngày hôm nay rất có thể là thành quả của hai Mùa Trồng Cây 1957 và 1958.
Thế hệ trẻ Đà Lạt hôm nay vẫn tiếp bước truyền thống của cha anh
Hai Mùa Trồng Cây cho thành phố Đà Lạt đã khơi gợi trong lòng người dân sự đoàn kết của người con phố núi cũng như sự gắn bó của họ với thiên thiên. Nó là những dấu chỉ yêu thương còn lại của những thị dân cũ tỏ bày với đô thị của mình, là dấu vết tồn tại đầy ý nghĩa của họ trên thành phố cao nguyên.
Những năm sau đó, chương trình Mùa Trồng Cây vẫn được tiếp tục cho đến 1963, sau đảo chánh, tình hình Đà Lạt rơi vào rối ren và chương trình này phải gác lại. Đến tận bây giờ khi nhắc về nó những thế hệ cũ vẫn còn hân hoan và tràn đầy niềm vui trong lòng.
Bích Ngọc
Đăng bởi: Bích Ngọc
YOLO! Khám phá các huyện ở Lâm Đồng
- Bảo Lâm
- Bảo Lộc
- Cát Tiên
- Di Linh
- Đạ Huoai
- Đà Lạt
- Đạ Tẻh
- Đam Rông
- Đơn Dương
- Đức Trọng
- Lạc Dương
- Lâm Hà